An toàn lao động khi hàn điện

1. Những nguy cơ mất an toàn
– Khi hàn điện có thể bị điện giật. Hồ quang hàn bức xạ rất mạnh dễ làm bỏng da, làm đau mắt. Khi hàn kim loại lỏng bắn tóe dể gây bỏng da thợ hàn và những người xung quanh
– Ngọn lửa hàn có thể gây cháy, nổ. Khi que hàn cháy sinh nhiều khí độc hại và bụi như CO2, bụi silic, bụi măng gan, bụi ôxit kẽm… Rất có hại cho hệ hô hấp và sức khỏe của công nhân.
– Khi hàn ở các vị trí khó khăn như: hàn trong ống, những nơi chật chội, nhiều bụi, gần nơi ẩm thấp hoặc hàn trên cao đều là những nguy cơ gây tai nạn…
* Kỹ năng an toàn lao động trong quá trình hàn
2. Điều kiện kỹ thuật an toàn
Điều 1: Chỉ những người hội đủ các điều kiện sau đây mới được làm việc hàn điện:
– Trong độ tuổi lao động do nhà nước quy định.
– Đã qua khám tuyển sức khỏe bởi cơ quan y tế.
– Được đào tạo nghề hàn điện, và có chứng chỉ kèm theo, đã qua huấn luyện về BHLĐ và được cấp thẻ an toàn và được cấp trên giao nhiệm vụ. Cấm các nữ công nhân tiến hành công việc hàn điện trong các hầm, thùng, khoang, bể kín.
– Sử dụng đúng và đủ các PTBVCN được cấp phát theo chế độ: áo quần vải bạt, găng tay chịu nhiệt và có độ dẫn điện thấp, giầy da lộn cao cổ có đế cách điện, ghệt vải bạt, mặt nạ hàn có gắn kính hàn đúng mã hiệu và không bị nứt, trong những trường hợp cần thiết còn được cấp mũ cứng, dây đai an toàn, khẩu trang.
– Khi hàn trong hầm, thùng, khoang, bể kín, nơi ẩm ướt… công nhân hàn còn phải được trang bị  găng tay, giày cách điện, quạt cấp và quạt hút khói bụi hàn. Tại vị trí hàn phải có thảm hoặc bục cách điện.
– Việc huấn luyện BHLĐ cho công nhân hàn điện phải tiến hành ít nhất 6 tháng/lần.
Điều 2: Chỉ được lấy nguồn điện hồ quang từ máy hàn xoay chiều, một chiều, máy chỉnh lưu.
Điều 3: Máy hàn phải bảo đảm tình trạng tốt: có vỏ bao che kín và bảo đảm cách điện, vỏ máy phải được nối đất hoặc nối không đúng Quy phạm nối đất, nối không các thiết bị điện, các cực điện vào và ra phải được kẹp chặt bằng bu lông và bọc cách điện.
Điều 4: Kìm hàn phải đảm bảo kỹ thuật có tay cầm bằng vật liệu cách điện và chịu nhiệt. Dây điện hàn phải bảo đảm không bị tróc vỏ bọc, dây mát cũng phải là loại vỏ bọc, các mối nối phải được bao kín bằng băng keo cách điện. Không sử dụng kìm hàn tự chế, kìm hàn bị hỏng, tróc lớp bảo vệ cách điện.
Điều 5: Công nhân phải kiểm tra các mối nối, kìm hàn, dây nối đất của máy hàn có đảm bảo hay không trước khi khởi động máy để làm việc. Khi cần thiết chuyển máy hàn, khi kiểm tra, tháo và nối dây hàn phải cúp nguồn điện vào máy (kể cả dây mát).
Công nhân hàn có trách nhiệm theo dõi tình trạng hoạt động của máy hàn trong quá trình làm việc. Khi có sự cố hoặc hỏng hóc phải báo ngay cho thợ điện sửa chữa.
Điều 6: Việc đấu điện cho thợ hàn phải do thợ điện thực hiện, phải qua cầu dao, aptomat. Mỗi máy hàn phải được cúp điện từ một cầu dao riêng.
Cấm rải dây điện trên mặt đất, để dây điện chạm vào sắt thép, kết cấu kim loại của công trình. Các mối nối của dây hàn phải được bắt chặt và băng bằng băng keo cách điện, nối dây vào máy phải vặt chặt bằng bulong chắc chắn.
Điều 7: Chiều dài dây dẫn từ cầu dao nguồn đến máy hàn không được quá 10m. Dây hàn, dây mát phải dùng dây mềm nhiều sợi có vỏ bọc cao su cách điện, cách nhiệt tốt. Lớp vỏ bọc cách điện của dây phải được bảo vệ khỏi các hư hỏng cơ học khi rải trên mặt đất. Cấm dùng dây có lớp vỏ bọc hay cách điện bị hư.
Điều 8: Phải chú ý để không cho dây dẫn tiếp xúc với nước dầu, dây cáp thép, dây điện hàn phải đặt cách các ống mềm dẫn oxy và axetylen, các thiết bị có ngọn lửa, khí đốt, các chi tiết hàn nóng đỏ và các đường ống dẫn nước nóng không dưới 1m.
Điều 9: Đặt máy hàn ở vị trí không có người qua lại, máy hàn ngoài trời phải có mái che bằng vật liệu không cháy. Khu vực hàn phải cách ly với khu vực làm việc khác, nếu không thì giữa các vị trí phải đặt tấm chắn bằng vật liệu không cháy. Khi hàn điện ở nơi có nguy cơ nổ, cháy phải tuân theo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ.
Điện áp không tải của máy biến thế hàn hồ quang £75V. Điện áp máy phát điện hàn £ 80V.
Cấm tiến hành công việc hàn điện ở ngoài trời dưới mưa.
Điều 10: Khi hàn trên cao phải làm sàn thao tác bằng vật liệu không cháy. Nếu không có sàn thì thợ hàn phải đeo dây an toàn, đồng thời phải có túi đựng dụng cụ và mẫu que hàn thừa.
– Khi hàn trên những độ cao khác nhau, phải có biện pháp che chắn bảo vệ, không để các giọt kim loại nóng đỏ, mẩu que hàn thừa, các vật liệu khác rơi xuống người ở dưới, rơi xuống các vật liệu dễ cháy bên dưới.
Điều 11: Khi hàn trong không gian hẹp mà có nhiều người thì việc thông gió phải đảm bảo thông thoáng, đồng thời phải che chắn bằng vật liệu không cháy để ngăn tia hồ quang hàn nhằm bảo vệ những người làm việc xung quanh. Phải có người trực canh phía trên.
Khi hàn điện ở nơi có nguy cơ cháy nổ cao, phải tuân theo các quy định AT-PCCN và tổ, nhóm sản xuất phải cử người trực gác lửa.
Điều 12: Tại các vị trí hàn cố định cũng như di động, nếu như chưa có các biện pháp phòng chống cháy thì không được tiến hành công việc hàn điện.
Điều 13: Khi hàn có tỏa bụi và khí cũng như khi hàn bên trong các buồng, thùng, khoang, bể kín phải thực hiện thông gió cấp và hút và phải thực hiện thông gió hút cục bộ ở chỗ tiến hành hàn. Không khí hút phải thải ra ngoài khu vực lấy không khí cấp.
Thực hiện thông gió hút cục bộ ở chỗ tiến hành hàn. Không khí hút phải thải ra ngoài khu vực lấy không khí cấp.
Điều 14: Chiếu sáng khi tiến hành hàn trong các thùng, khoang, bể kín phải dùng đèn di động điện áp 12V hoặc dùng đèn định hướng chiếu từ ngoài vào.
Điều 15: Nghiêm cấm hàn các bình và thiết bị đã từng chứa các sản phẩm dầu và khí nguy hiểm nổ nếu chưa qua làm sạch (xịt rửa) cẩn thận bằng nước nóng, bằng dung dịch xút hay chưng hấp với sự thông gió tiếp theo.
Điều 16: Nghiêm cấm sử dụng và bảo quản các chất dễ bắt lửa: xăng, axeton, spirit trắng,...) ở gần vị trí hàn.
Nghiêm cấm tiến hành hàn ở khoảng cách dưới 5m so với vị trí để các chất dễ cháy nổ.
Điều 17: Khi sử dụng đồng thời các nguồn điện hàn một trạm cần phải đặt chúng cách nhau không dưới 0,35m.
Đường đi giữa các nguồn điện một trạm phải có chiều rộng 0,8m.
Khi đặt các nguồn cấp một trạm ở gần tường thì khoảng cách giữa nguồn và tường không được nhỏ hơn 0,5m.
Điều 18: Khi giải lao người thợ hàn phải ngắt bộ đổi điện hàn hay biến thế khỏi lưới điện. Khi kết thúc công việc, sau khi ngắt điện khỏi thiết bị hàn phải sắp xếp ngăn nắp chỗ làm việc, thu dọn dây, các dụng cụ bảo vệ và xếp đặt cẩn thận chúng vào vị trí riêng, phải tin chắc rằng sau khi làm việc không còn để lại các vật cháy âm ỉ như: giẻ, mảnh gỗ, vật liệu cách điện.
Điều 19:  Cấm sửa chữa máy hàn khi đang có điện.
Khi di chuyển các máy hàn, phải cắt nguồn điện cấp cho máy hàn.
Khi thợ hàn di chuyển đến vị trí hàn trên cao (cùng với kìm hàn) phải cắt điện máy hàn.
Khi ngừng công việc hàn điện, phải cắt máy hàn ra khỏi lưới điện.
Điều 20: Quần áo lao động dùng cho thợ hàn phải đảm bảo chống tia lửa, chống lại được tác dụng cơ học, bụi kim loại nóng và những bức xạ khác.
Điều 21: Khi hàn trong môi trường làm việc có hóa chất (axít, kiềm, sản phẩm dầu mỡ…) trường điện từ, cũng như khi hàn phải được trang bị quần áo BHLĐ bằng vật liệu đảm bảo chống những tác động đó.
Điều 22: Giày và găng tay của công nhân hàn phải làm bằng vật liệu khó cháy, cách điện và chịu được tác động cơ học. Riêng giày đế không được đóng đinh kim loại.
Điều 23: Mũ dùng cho công nhân hàn phải làm bằng vật liệu khó cháy, cách điện. Trong điều kiện làm việc có nguy cơ gây chấn động cơ học, công nhân phải được trang bị mũ chịu được chấn động cơ học.
Điều 24: Các phương tiện cá nhân phải được kiểm tra định kỳ theo các yêu cầu kỹ thuật và KTAT đối với từng loại.

                       Nguồn : www.chothietbi.com

                               CÔNG TY CỔ PHẦN THIẾT BỊ VIỆT

157 - 159 Xuân Hồng, Phường 12, Quận Tân Bình, TP HCM
Điện thoại: 08 3536 8888 | Fax: 08 3536 8866
Giấy ĐKKD số: 4103011129 tại TP HCM

Share:

0 nhận xét